TIN TỨC MỚI CUỐI TUẦN
Triển vọng sản lượng lúa mì vụ đông 2025/26 của Mỹ được Refinitiv giữ nguyên ở mức 36,4 triệu tấn, trong khoảng dự báo dao động từ 34,5 – 38,2 triệu tấn, với diện tích gieo trồng ước tính 33,4 triệu mẫu. Các điều kiện thời tiết ấm áp vào cuối tháng 4 đang giúp giảm nguy cơ băng giá mùa xuân, dù tình trạng thiếu ẩm đất tại một số vùng trọng điểm như vùng Trung và Bắc Plains (lúa mì HRW) và vành đai SRW vẫn là mối quan ngại lớn.
Văn phòng nông nghiệp Pháp FranceAgriMer vừa điều chỉnh giảm dự báo xuất khẩu lúa mì mềm ra ngoài EU trong niên vụ 2024/25 xuống còn 3,1 triệu tấn, thấp hơn mức 3,2 triệu tấn dự báo hồi tháng trước và hiện giảm tới 70% so với niên vụ trước.
DỰ BÁO THỜI TIẾT TUẦN NÀY
Tại Trung Tây Mỹ, các khu vực nơi đất đã ẩm sẵn, sẽ có nhiều khả năng tiếp tục nhận thêm lượng mưa, gây chậm trễ cho việc gieo trồng và đe dọa làm úng các cánh đồng lúa mì mùa đông. Trong khi đó, các vùng bị hạn hán nhẹ ở phía tây bắc sẽ có cơ hội cải thiện nhờ các đợt mưa sắp tới. Nhiệt độ sẽ tiếp tục dao động theo từng đợt không khí lạnh – ấm, nhưng dự kiến sẽ trở lại gần mức trung bình trong tuần này.
Tại châu Âu, các khu vực phía tây bắc vẫn cần thêm độ ẩm để hỗ trợ sự phát triển của lúa mì mùa đông. Trong hai tuần tới, dự kiến sẽ có một số hệ thống thời tiết di chuyển qua, mang lại lượng mưa có lợi cho phần lớn khu vực lục địa.
Tại Australia, nhờ các đợt mưa gần đây tại khu vực phía tây, độ ẩm đất đã được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo trồng lúa mì và cải dầu vụ đông.
TỔNG HỢP & PHÂN TÍCH
ĐẬU TƯƠNG
Thị trường đậu tương kết thúc tuần giao dịch với mức giảm nhẹ 0,6%, phản ánh tâm lý giằng co của thị trường. Xu hướng giảm chủ đạo trong tuần qua đến từ hoạt động chốt lời ngắn hạn, kết hợp với lo ngại nhu cầu giảm tại Trung Quốc và tốc độ ép dầu ở mức thấp tại Mỹ.
Một trong những yếu tố đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh trong nhập khẩu đậu tương từ Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương trong tháng 3 giảm 36,8% so với cùng kỳ, xuống mức thấp nhất trong vòng 17 năm. Trong quý I, tổng lượng nhập khẩu giảm gần 8%, cho thấy xu hướng tiêu thụ đang chậm lại đáng kể. Điều này tạo áp lực lớn lên giá khi thị trường lo ngại nhu cầu sẽ tiếp tục giảm do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, báo cáo ép dầu tháng 3 của Hiệp hội các nhà chế biến dầu quốc gia Mỹ (NOPA) cho thấy khối lượng ép đạt 194,55 triệu giạ – thấp hơn kỳ vọng khoảng 3 triệu giạ và ghi nhận mức trung bình thấp nhất trong 6 tháng. Sự sụt giảm này càng củng cố nhận định rằng nhu cầu tiêu thụ đậu tương tại Mỹ đang suy yếu trong ngắn hạn.
Ở phía nguồn cung, hoạt động thu hoạch tại Brazil được đẩy mạnh, giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Dự báo của ANEC cho thấy Brazil có thể xuất khẩu tới 14,5 triệu tấn đậu tương trong tháng 4, tăng đáng kể so với các dự báo trước. Đồng thời, Abiove nâng triển vọng xuất khẩu trong năm 2025 lên mức kỷ lục 108,5 triệu tấn, làm gia tăng áp lực lên giá đậu tương CBOT.
Ở chiều ngược lại, thị trường vẫn ghi nhận một số yếu tố hỗ trợ giúp giá không giảm sâu. Tại Argentina, tiến độ thu hoạch tiếp tục chậm hơn trung bình do ảnh hưởng của mưa lớn. Ở Mỹ, doanh số bán đậu tương trong tuần kết thúc ngày 10/04 tăng vọt 222% so với tuần trước, góp phần kìm hãm đà giảm của giá.
NGÔ VÀ LÚA MỲ
Sau khi bật tăng hơn 6%, giá hợp đồng ngô tháng 7 đã có tuần điều chỉnh nhẹ, đóng cửa với mức giảm không đáng kể. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh thị trường nông sản nói chung chỉ giao dịch trong bốn phiên do kỳ nghỉ lễ, khiến thanh khoản sụt giảm và xu hướng giá đi ngang trong biên độ hẹp. Đầu tuần này giá có thể xuất hiện khoảng gap với biến động mạnh hơn, khi thị trường quay lại hoạt động đầy đủ và bắt đầu phản ánh rõ hơn các yếu tố cơ bản.
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) đã nâng dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2025/26 thêm 5 triệu tấn lên 1,274 tỷ tấn, chủ yếu nhờ triển vọng cải thiện tại Mỹ và khu vực châu Phi cận Sahara. Thông tin này góp phần tạo sức ép tới giá.
Ngược lại, các số liệu thương mại tiếp tục mang lại tín hiệu tích cực cho giá ngô. Trong tuần qua, doanh số xuất khẩu ngô đạt 1,57 triệu tấn, vượt kỳ vọng của thị trường. Tổng doanh số tích lũy từ đầu niên vụ 2024/25 đã đạt 38,4 triệu tấn, tương đương 87% mục tiêu xuất khẩu cả năm của USDA – vượt mức trung bình lịch sử là 84%.
Về phía cung trong ngắn hạn, thời tiết vẫn là yếu tố rủi ro chính. Mưa lớn vào cuối tuần có thể gây ra tình trạng lũ lụt tại khu vực Trung Tây Nam, khiến tiến độ gieo trồng bị trì hoãn thêm. Trong khi đó, khu vực Trung Tây lại được hưởng lợi từ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn, có thể góp phần cải thiện tốc độ trồng trọt chung. Thị trường sẽ đặc biệt chú ý đến các báo cáo cập nhật từ USDA trong tuần này để đánh giá liệu thời tiết có tiếp tục là rào cản lớn đối với nguồn cung Mỹ hay không.
Giá lúa mì trong tuần qua cũng ghi nhận nhịp điều chỉnh sau đợt tăng mạnh trước đó. Hợp đồng tháng 7 đóng cửa giảm 8 cents so với cuối tuần trước, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Một trong những thông tin đáng chú ý trong tuần là việc SovEcon nâng dự báo sản lượng lúa mì của Nga niên vụ 2025 thêm 1,1 triệu tấn lên mức 79,7 triệu tấn. Đây là tín hiệu cho thấy điều kiện canh tác tại Nga – nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới – có thể đang dần cải thiện sau giai đoạn thời tiết khô nóng trước đó.