TIN TỨC 24 GIỜ
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) đã hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ 2024-25, chủ yếu do sản lượng ngô giảm. Theo báo cáo mới nhất, tổng sản lượng ngũ cốc dự kiến đạt 2,30 tỷ tấn, giảm 3 triệu tấn so với ước tính trước đó. Sản lượng ngô được điều chỉnh giảm xuống 1,22 tỷ tấn, trong khi dự trữ ngũ cốc cuối vụ được nâng nhẹ lên 576 triệu tấn.
Dự báo tồn kho lúa mì cuối niên vụ cũng bị hạ xuống còn 264 triệu tấn. Đối với niên vụ 2025-26, IGC nhận định tồn kho lúa mì sẽ tiếp tục giảm, diện tích trồng ngô có thể tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, còn diện tích lúa mạch dự kiến chỉ phục hồi ở mức khiêm tốn từ mức thấp kỷ lục của năm ngoái.
THỜI TIẾT MÙA VỤ NAM MỸ
Tại Argentina, một khối khí lạnh đi qua vào đầu tuần. Lượng mưa lớn nhất tập trung ở khu vực Đông Bắc, trong khi Buenos Aires phía Nam và La Pampa chỉ nhận được lượng mưa thấp. Mặc dù không quá lớn nhưng lượng mưa vừa qua cũng giúp ổn định phần nào điều kiện cây trồng.
Tại Brazil, mùa mưa tại miền Trung sẽ tiếp tục với các cơn mưa rải rác, giúp nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đậu tương và gieo trồng ngô vụ 2.
TỔNG HỢP & PHÂN TÍCH
ĐẬU TƯƠNG
Khép lại tuần giao dịch kết thúc ngày 23/02, giá đậu tương ghi nhận mức tăng nhẹ chưa đến 0,5%, lên mức 388,5 USD/tấn. Do kỳ nghỉ lễ Tổng thống, thị trường chỉ giao dịch trong 4 phiên với sự tăng giảm xen kẽ, cho thấy giá đang chưa có hướng đi rõ ràng trong bối cảnh các thông tin cơ bản trái chiều.
Trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales) của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), doanh số bán đậu tương niên vụ 2024/25 của Mỹ trong tuần báo cáo đạt mức 480 nghìn tấn, tăng đáng kể so với tuần trước đó. Trung Quốc vẫn là khách hàng chính, tiếp theo là Ai Cập, Mexico và Hà Lan. Sự cải thiện doanh số bán hàng đậu tương Mỹ trong tuần này là yếu tố tích cực vì mùa xuất khẩu cao điểm của nước này đã qua đi. Brazil đang nhanh chóng thu hoạch và sự kiến sẽ sớm đẩy nguồn cung đậu tương giá rẻ ra thị trường. Đây là yếu tố đã thúc đẩy lực mua đối với giá đậu tương trong tuần qua.
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết tại Nam Mỹ vẫn là yếu tố quan trọng cần được theo dõi sát sao. Theo Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires, mặc dù có một số cải thiện nhỏ, cây trồng tại Argentina vẫn đang trong tình trạng khó khăn. Một đợt nắng nóng và khô hạn khác được dự báo sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía bắc trong tuần tới. Các vùng nông nghiệp chính của Argentina sẽ chứng kiến nhiệt độ cao trên 35 độ C trong những ngày tới, trước khi có thêm mưa vào đầu tuần sau. Điều này tiếp tục gây ra lo ngại về tình hình nguồn cung, từ đó hỗ trợ giá.
Ở chiều ngược lại, tình hình thời tiết tại Brazil nhìn chung đang tương đối thuận lợi. Hoạt động thu hoạch đậu tương đang được đẩy nhanh nhờ thời tiết khô ráo trong thời gian gần đây. Nhờ lượng đậu tương mới, Brazil sẽ gia tăng áp lực nguồn cung lên thị trường khi sản lượng của nước này được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục mới trong năm nay. Đây là yếu tố đã kìm hãm đà tăng của giá trong tuần qua.
Đối với hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương, thị trường cũng biến động tương đối giằng co. Giá dầu đậu tương tăng hơn 1,5% trong tuần qua, do tồn kho tại Mỹ thấp hơn kỳ vọng. Trong báo cáo mới nhất, Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia Mỹ (NOPA) cho biết tồn kho dầu đậu tương tại Mỹ trong tháng 1 ở mức cao nhất 6 tháng, nhưng thấp hơn kỳ vọng thị trường do sản lượng ép dầu thấp và nhu cầu nhiên liệu sinh học tăng mạnh.
NGÔ VÀ LÚA MÌ
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá ngô suy yếu nhẹ và vẫn giữ được trên vùng hỗ trợ tâm lí 500. Thị trường vẫn đang được hỗ trợ từ triển vọng nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ của Mexico và Trung Quốc, trong khi nguồn cung của Nam Mỹ vẫn đang đứng trước rủi ro thiệt hại do thời tiết bất lợi. Đây cũng chính là 2 yếu tố khiến chúng tôi duy trì nhận định thị trường sẽ quay trở lại đà tăng trong tuần này.
Sản lượng ethanol nội địa tại Mỹ đã ghi nhận mức tăng nhẹ trong tuần tính đến ngày 14/2, với sản lượng trung bình hàng ngày đạt 1,08 triệu thùng, theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA). Lượng tồn kho ethanol cũng tăng thêm 2% so với tuần trước, phản ánh nhu cầu vẫn ổn định nhưng chưa có sự đột biến.
Đối với hoạt động xuất khẩu, công ty Anec của Brazil ước tính nước này sẽ xuất khẩu khoảng 1,28 triệu tấn ngô trong tháng 2, giảm nhẹ so với dự báo trước đó. Nguồn cung ngô Mỹ vẫn đang chiếm ưu thế trong giai đoạn này đã hạn chế đà suy yếu của giá ngô.
Về nguồn cung, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) đã hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ 2024-25, chủ yếu do sản lượng ngô giảm. Theo báo cáo mới nhất, tổng sản lượng ngũ cốc dự kiến đạt 2,30 tỷ tấn, giảm 3 triệu tấn so với ước tính trước đó. Sản lượng ngô được điều chỉnh giảm xuống 1,22 tỷ tấn, trong khi dự trữ ngũ cốc cuối vụ được nâng nhẹ lên 576 triệu tấn.
Lực bán cũng chiếm ưu thế trên thị trường lúa mì nhưng giá mặt hàng này vẫn giữ được trên mốc 600, tương tự như diễn biến của ngô.
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) đã nâng dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu thêm 1 triệu tấn lên 797 triệu tấn, chủ yếu nhờ sản lượng cao hơn ở Kazakhstan. Dự báo này cao hơn so với ước tính của USDA vào ngày 25/2, vốn đặt sản lượng lúa mì toàn cầu ở mức 794 triệu tấn. Những yếu tố này đang tạo ra áp lực giảm giá trên thị trường lúa mì khi nguồn cung tiếp tục có dấu hiệu dồi dào. Chúng tôi cho rằng diễn biến của giá lúa mì trong tuần trước chỉ là biến động điều chỉnh kỹ thuật, còn xu hướng về trung hạn vẫn thiên về bên mua.