TIN TỨC MỚI CUỐI TUẦN
Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) Argentina giảm dự báo sản lượng đậu tương và ngô niên vụ 2024/25. Dự báo sản lượng ngô giảm 1 triệu tấn, còn 49 triệu tấn. Sản lượng đậu tương cũng được điều chỉnh giảm 1 triệu tấn, từ 50,6 triệu tấn xuống còn 49,6 triệu tấn.
Dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2024/25 của Brazil đạt mức kỷ lục 170,7 triệu tấn, theo hEDGEpoint Global Markets. Đồng thời, diện tích trồng đậu tương cũng được dự báo đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 47,54 triệu mẫu. Với sản lượng kỷ lục này, Brazil tiếp tục củng cố vị thế hàng đầu trên thị trường xuất khẩu đậu tương toàn cầu, đồng thời gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà xuất khẩu lớn khác như Mỹ và Argentina.
THỜI TIẾT MÙA VỤ NAM MỸ
Tại Argentina, có các cơn mưa lẻ tẻ, các khu vực phía Tây như Cordoba nhận được mưa nhiều hơn so với các khu vực phía Đông. Nhiệt độ cao giữa các đợt mưa sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho cây trồng, khiến tình trạng cây trồng tiếp tục suy giảm.
Tại Brazil, việc thu hoạch đậu tương sớm ở miền Trung diễn ra chậm chạp do gieo trồng muộn và lượng mưa lớn.
TỔNG HỢP & PHÂN TÍCH
ĐẬU TƯƠNG
Khép lại tuần giao dịch kết thúc ngày 2/2, giá đậu tương giảm nhẹ 1,3%, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó. Thị trường chịu áp lực bởi nhiều yếu tố, bao gồm triển vọng nguồn cung có sự cải thiện ở Argentina và doanh số bán hàng kém của Mỹ.
Như được công bố trước đó, chương trình giảm thuế xuất khẩu mới của Argentina đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu tuần trước và kéo dài đến cuối tháng 6. Chính sách giảm thuế được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản tích cực hơn từ Argentina, khi đây vẫn là quốc gia sản xuất đậu tương lớn trên thế giới. Thuế xuất khẩu đậu tương giảm từ 33% xuống 26%, trong khi các mặt hàng thành phẩm từ đậu tương như khô đậu và dầu đậu giảm từ 31% xuống 24,5%. Nhờ chương trình mới, nguồn cung từ Argentina đã được đẩy mạnh ra thị trường, khiến giá chịu áp lực.
Bên cạnh đó, tình hình mùa vụ tại Argentina cũng có những sự cải thiện nhất định. Những cơn mưa được mong đợi đã xuất hiện tại Argentina và Nam Brazil vào tuần trước, mang lại lợi ích cho cây trồng, mặc dù không phải tất cả các khu vực đều được hưởng lợi. Dự báo mưa rải rác sẽ tiếp tục trong tuần này, cung cấp độ ẩm cần thiết cho cây trồng vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng khô hạn. Sự cải thiện điều kiện vụ mùa ở Nam Mỹ đã tạo áp lực lên thị trường trong tuần vừa rồi.
Mùa xuất khẩu cao điểm của Mỹ đang dần khép lại, minh chứng là doanh số bán hàng kém khả quan được ghi nhận trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales). Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết nước này chỉ bán được 438.000 tấn đậu tương trong tuần kết thúc ngày 23/1, giảm hơn 70% so với tuần trước đó và 33% so với mức trung bình 4 tuần. Kết hợp với những lo ngại về các mức thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đây là yếu tố đã khiến giá đậu tương chịu sức ép.
NGÔ & LÚA MỲ
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá ngô đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm nhẹ. Lực bán chủ yếu đến từ áp lực kĩ thuật khi giá hợp đồng tháng 3 tiến sát lên đến vùng kháng cự tâm lí 500. Về phía cơ bản, các yếu tố cung cầu vẫn đang ủng hộ cho xu hướng tăng.
Tại Brazil, sản xuất ethanol từ ngô tại Trung – Nam đã tăng 30%, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng sản xuất nhiên liệu sinh học, khi sản lượng ép mía sụt giảm. Theo Hiệp hội Công nghiệp Mía đường và Năng lượng Sinh học Brazil (Unica), tính đến nửa đầu tháng 1, ethanol từ ngô chiếm 19,5% tổng sản lượng ethanol của Brazil và dự kiến sẽ tăng lên 23-24% vào cuối vụ thu hoạch tháng 3. Hoạt động tiêu thụ nội địa để sản xuất ethanol từ ngô đang được đẩy mạnh tại các nước sản xuất như Brazil và Mỹ là thông tin tác động “bullish” tới giá mặt hàng này. Đây cũng là lí do có thời điểm trong tuần giá ngô đã gần chạm tới vùng giá 500.
Ngược lại, lo ngại đối với vụ Mỹ đã được phản ánh vào đà tăng của giá trong vài tuần vừa qua nên không còn là yếu tố bullish đủ mạnh để tiếp tục kéo giá ngô duy trì xu hướng. Cùng với đó, áp lực bán ở vùng kháng cự 500 và động thái chốt lời tước khi bước vào kỳ nghỉ lễ dài ở các nước châu Á là nguyên nhân chính khiến giá ngô thu hẹp đà tăng.
Giá lúa mì đóng cửa tuần trước cũng chỉ ghi nhận mức tăng chưa tới 1% khi thị trường bất ngờ quay đầu suy yếu trong phiên cuối tuần. Thị trường không xuất hiện nhiều thông tin cơ bản mới mà giá lúa mì biến động chủ yếu do ảnh hưởng từ diễn biến của giá ngô.
Xuất khẩu lúa mì của Nga dự kiến sẽ giảm mạnh trong niên vụ hiện tại do nguồn cung hạn chế và lợi nhuận thấp, theo công ty tư vấn SovEcon. SovEcon đã hạ dự báo xuất khẩu lúa mì của Nga trong niên vụ 2024-25 xuống còn 42,8 triệu tấn, thấp hơn mức trung bình ba năm và giảm khoảng 2% so với dự báo trước đó. Con số này cũng thấp hơn gần 20% so với mức 52,4 triệu tấn của mùa trước. Nguồn cung Nga suy giảm được cho là sẽ hỗ trợ thị trường lúa mì toàn cầu, trong bối cảnh cán cân cung – cầu thế giới vẫn mong manh. Ban đầu, Nga đẩy mạnh xuất khẩu lúa mì lên mức kỷ lục trong những tháng đầu mùa, nhưng sản lượng thu hoạch thấp hơn đã khiến tồn kho giảm dần vào cuối năm.